20.000 nhân lực ngành SEO.
30,8 triệu người sử dụng Internet.
Là những con số đáng chú ý được đưa ra trong Đại hội SEO 2013, được tổ chức tại hội trường Bảo tàng Hà Nội hôm 27/1 vừa qua.
Nhìn vào những con số này có thể hình dung được sự phát triển của thị trường SEO Việt Nam nói riêng, tốc độ phát triển công nghệ thông tin – truyền thông trong nước nói chung.
Không thể phủ nhận SEO ở Việt Nam đang có những bước tiến nhanh chóng, trình độ của các SEOer ngày một cao. Kéo theo đó là sự gia tăng nhanh chóng của các công ty SEO, diễn đàn SEO, nhân lực ngành SEO; và các công ty đào tạo SEO mọc lên ào ào như nấm sau mưa.
Ở một góc nhìn khác: ngành SEO Việt Nam đang đi sau thế giới 5 -7 năm, 90% nhân lực chưa qua đào tạo. Điều đó đặt ra cho những người quan tâm, có trách nhiệm, tâm huyết với SEO một câu hỏi: “Bao giờ Việt Nam có tên trên bản đồ SEO thế giới?”.
Đây là một câu hỏi không dễ giải đáp! Thực tế Việt Nam được biết tới nhiều với các địa chỉ spam, vi phạm bản quyền về nội dung trực tuyến và chèn link vô tội vạ… Thật không ngạc nhiên nếu ai đó ở Việt Nam đăng ký tài khoản trên diễn đàn nước ngoài, ngay sau khi điền đầy đủ thông tin và nhấn OK. Thay vì được chấp nhận hay gửi mail confirm thì lại nhận được thông báo vi phạm, ban tài khoản, rồi cấm IP. Điều đó thật dễ hiểu bởi lẽ trang web đó chặn mọi địa chỉ IP đến từ Việt Nam, bất kể bạn có Spam hay không. Đây là một định kiến của các webmaster và diễn đàn nước ngoài. Nhưng thật khó trách, thôi thì trước khi trách họ chúng ta tự đóng cửa kiểm điểm mình trước đã.
90% nhân lực ngành SEO Việt Nam chưa qua đào tạo. Phần đa đến với SEO từ nhiều công khác nhau như: code, thiết kế web, marketing, IT… thậm chí là kỹ sư cầu đường. Thiếu đào tạo chuyên sâu, nên các SEOer Việt Nam thường không đủ khả năng để độc lập phân tích và đánh giá thông tin về kĩ thuật, thị trường, SE… Và thường hùa theo xu hướng chung mà ít khi tự đặt câu hỏi tại sao, cũng như tự đi tìm câu trả lời.
Nếu được nghe rằng spam quảng cáo là tốt thì các rất nhiều SEOer biến các trang quảng cáo, rao vặt thành mục tiêu bắn phá. Đăng quảng cáo với tốc độ chóng mặt, bất kể nội dung trang web của mình là gì, cũng chẳng thèm quan tâm tới diễn đàn ấy là gì. Và cũng chẳng ngạc nhiên khi nhiều SEOer sẵn sàng đăng tin mua bán máy móc, thiết bị trên web ẩm thực hay quảng cáo thuốc cường dương trên diễn đàn giáo dục. Thậm chí trên một diễn đàn tiếng Anh SEOer nhà ta sẵn sàng “chua” một câu tiếng Việt rồi “cho em xin một link”. Văn hóa spam quảng cáo là đăng một bài sợ ít thì đăng 10 bài, rồi refresh liên tục. Đăng bằng tay chưa đủ thì Auto post cho nó đã.
Rồi thì đến backlink, chèn link mọi lúc mọi nơi có thể là đặc điểm dễ nhận thấy ở nhiều SEOer. Copy một bài ở đâu đó, đăng khắp nơi rồi trỏ link về website của mình, hoặc comment đại một câu để kiếm một link chữ ký. Rồi cái điệp khúc đăng ký – ban nick – đăng ký mới cứ diễn đi diễn lại. Mà bản thân SEOer nhiều khi biết như thế là thiếu tích cực, thiếu tôn trọng các thành viên khác, nhưng vẫn cứ làm.
Copy – paste nội dung mà không ghi nguồn, thậm chí mạo nhận là tác giả thì xảy ra cơm bữa. Mà nếu khổ chủ có vô tình phát hiện ra thì có thể nhận được một câu trả lời ráo hoành kiểu như: “Đấy là em có ý thức chia sẻ cộng đồng”. Có ý thức hay thiếu ý thực trong trường hợp này thật không khó để trả lời.
Một ngày nào đó người làm SEO còn mang nặng tư tưởng “ăn xổi ở thì”, chưa biết tôn trọng đồng nghiẹp, chưa biết xây dựng thương hiệu bản thân, thương hiệu công ty, thì làm sao có thể nghĩ tới một thương hiệu lớn hơn cho cả cộng đồng.
Ở Việt Nam, SEO chưa được coi là một nghề, với rất nhiều người SEO thường được gộp chung và núp dưới cái bóng của IT. Nhưng thực tế, SEO phát triển hơn thế, hiện tại và tương lai SEO có thể phân ra nhiều mảng nhỏ hơn như: SEO tổng quát, Link building, SEO copy writer, Social …
Và phải chăng SEO chưa là một nghề, nên nhiều SEOer thậm chí là một số công ty, diễn đàn SEO cũng chưa xây dựng cho mình được một văn hóa cộng đồng, văn hóa cạnh tranh lành mạnh!?
5.000 doanh nghiệp sử dụng SEO, trên tổng số 500.000 doanh nghiệp trên cả nước. Nghĩa là mới 1% thị trường được khai thác. Nhưng thay vì phát triển thị trường, thông qua đó nâng tầm doanh nghiệp. Thì nhiều cá nhân, công ty lại tìm cách để hạ gục đối thủ của mình bằng những thủ pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh như: chèn link ẩn, đổ link bẩn, ddos hệ thống, tấn công từ chối dịch vụ … Có lẽ triển vọng “ăn quẩn” trong số 5.000 doanh nghiệp có sẵn lớn hơn triển vọng phát triển thị trường lớn chăng? Suy nghĩ kiểu ấy không làm thương hiệu được!
Giữa thời buổi mà người nông dân đang bàn nhau dồn điền đổi thửa, làm thành cánh đồng mẫu lớn. Thì lại có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ lại cố gắng tạo nên những bờ ruộng vô hình ngăn cách mình với cộng đồng, với thế giới. Nếu không thay đổi cách nhìn, không có một tiếng nói chung thống nhất thì làm sao có được một chiến lược chung. Câu hỏi:
Thương hiệu SEO Việt Nam – cho đến bao giờ?
Có lẽ còn bỏ ngỏ.
-----------------------------
» SEO và bản chất con buôn
» Tam@SEO: Dịch vụ backorder và Văn hóa phân trâu
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét