Bước sang năm 2013, xu hướng SEO tập trung vào nội dung và mạng xã hội. Tuy nhiên phát triển nội dung cho Website luôn là một khó khăn với phần đa SEOer do hạn chế trong kĩ năng viết bài. Hoặc đơn giản là các bạn không biết phải bắt đầu từ đâu.
Một lời khuyên cho các bạn là đừng quá lo lắng. SEO rất nhiều mảng và không ai có thể biết tất cả (cũng như mình không có kiến thức về Code và không hiểu về Server), lấy điểm mạnh để bù vào điểm yếu là một giải pháp.
Hôm nay, với chút kinh nghiệm viết lách, mình sẽ chia sẻ với các bạn cách để phát triển nội dung cho một website. Để xây dựng được một Website/Blog theo hướng nội dung các bạn cần:
1. Là chuyên gia trong lĩnh vực.
Theo đó trước khi xây dựng website/blog về lĩnh vực gì các bạn cần phải tìm hiểu và đọc nhiều tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau về lĩnh vực mình sẽ tham gia. Đơn giản, nếu bạn xây dựng web về xe hơi thì bạn cần phải có kiến thức về xe cộ (các hãng xe, loại xe, dòng xe, điểm khác biệt giữa chúng…), làm web về điện thoại thì bạn phải trang bị cho mình các kiến thức về điện thoại. Chúng ta may mắn vì được ở trong thời đại của internet và được sự hỗ trợ đắc lực từ các công cụ tìm kiếm. Tất nhiên, tin buồn là đối thủ của chúng ta cũng sở hữu một nền tảng công nghệ và kĩ năng tìm kiếm như vậy.
Ngoài internet các bạn nên chú trọng đến việc tìm kiếm các tri thức, thông tin liên quan tới lĩnh vực của mình ngoài thực tế và các nguồn khác. Việc xây dựng các mối quan hệ trong lĩnh vực hoạt động của mình là rất quan trọng. Ví dụ: Bạn xây dựng web về máy tính, hay máy in thì việc buôn dưa, chém gió với các chủ cửa hàng mua bán, sửa chữa là chuyện thường ngày ở huyện thôi. Những chia sẻ của họ về ưu, khuyết của từng dòng, từng loại máy là một nguồn tư liệu sống, giá trị cho bạn. Khách truy cập web cũng cần rất nhiều thông tin xoay quanh sản phẩm. Bây giờ người dùng rất chuộng guider, hướng dẫn, bí quyết...
2. Xây dựng thư viện cá nhân.
Hầu hết SEOer có mặt trên mạng hơn 10h đồng hồ một ngày. Các bạn nên bỏ ra 30 phút để xây dựng cho mình một thư viện riêng.
Giống như người thiết kế web cần có thư viện hình ảnh, mẫu web đẹp. Hay một chuyên gia trộn nhạc (DJ) cần có thư việc nhạc riêng của mình. Thì SEOer cũng cần có thư viện riêng (ít nhất là về lĩnh vực bạn đang làm). Một thư viện riêng chứa các tài liệu, ebook, ảnh, video liên quan đến lĩnh vực của bạn là điều cần thiết. Các bạn hãy luyện cho mình thói quen sưu tập, phân loại và sắp xếp tài liệu theo hệ thống cây thư mục. Và khi lang thang trên mạng nếu gặp được tin, bài, tài liệu nào hay bạn hãy đem ngay về, xếp vào hệ thống đã được xây dựng trước đó. Hoặc đơn giản là lưu vào, lúc cần sẽ đọc.
Bất chấp câu cửa miệng là: “Cái gì không biết phải tra Google”, chỉ 20% sách vở của loài người có trên mạng. Mà tri thức loài người thì không chỉ nằm trong sách vở. Vì thế một thư viện bên ngoài máy tính là điều nên làm, điều này không quá khó để thực hiện.
Một góc thư viện trên máy của mình |
3. Định hướng nội dung
Sau hai bước 1 + 2, bạn đã có được một vốn tri thức nhất định trong lĩnh vực của mình. việc tiếp theo là xây dựng website cụ thể.
Không biết các bạn thế nào, nhưng tôi không có ý muốn phục vụ tất cả mọi người, đơn giản là tôi không đủ sức. Chỗ này cần một chút về Marketing, hãy nghĩ về đối tượng khách hàng mà bạn sẽ hướng tới. Thời trang chẳng hạn, bạn định làm thời trang trẻ em hay cho bà bầu, đầm công sở hay dạ hội, đồ âu hay đồ jean… Bạn định bán chủ yếu qua mạng, hay có cửa hàng; khu vực Hà Nội hay toàn quốc…
Trên cơ sở tất cả những tính toán đó, bạn hãy định hình cho website của mình một ngôn ngữ riêng phù hợp, một câu slogan có khả năng thuyết phục.
Phong cách ngôn ngữ của site nên phù hợp với cả màu sắc giao diện. Có những site sử dụng ngôn ngữ kiểu như: “các mẹ vào xem”, “các mẹ thấy thế nào”; một số khác là “các bạn” – “mình” hoặc gọi “các bác” xưng “em”. Một số khác lại nghiêm trang và dùng đại từ “Chúng tôi”, hoặc dùng tên để gọi như “Techcombank sẽ…”, “Vietcombank gửi tặng”. Ngôn ngữ nào cho trang của các bạn cần được xác định và xây dựng thống nhất trong toàn văn bản, toàn bộ website.
4. Xây dựng hệ thống cây thư mục
Bạn đã định hướng được đối tượng khách hàng, khu vực hoạt động, ngôn ngữ phù hợp. Việc tiếp theo là xây dựng hệ thống cây thư mục cho website. Nó chính là hệ thống menu sản phẩm, dịch vụ; catalogue… Các bạn đừng nghĩ mà hãy viết nó ra giấy hoặc vẽ ngay trên máy tính.
Bạn nên tham khảo hệ thống cây thư mục của các website đối thủ. Nó hay, dở ở chỗ nào, chúng ta có cải tiến thêm được gì hay không? Bạn nên xây dựng chuẩn vì việc sửa đổi sau khi web đã hoàn thành và bắt đầu tối ưu sẽ ảnh hưởng tới kết quả SEO.
Ví dụ: Bạn đang làm web về ẩm thực, bạn định phân loại các món ăn theo kiểu nào: theo món ăn miền Bắc – Trung – Nam, hay món khai vị - món chính - món tráng miệng; hay theo nguyên liệu món bò – dê – thỏ … Cách nào sẽ tiện lợi hơn cho người xem, phân cấp thế nào cho ít nhấp chuột nhất mà hệ thống bài, tin vẫn chi tiết, đầy đủ? Nếu bạn cần thay đổi, hãy thay đổi ngay trong bước này, đừng để đến khi web chạy rồi mới “bé cái lầm”.
Ví dụ về hệ thống thư mục dự tính cho website |
Bạn đã có hệ thống cây thư mục chuẩn, trên cơ sở này bạn hãy xây dựng hệ thống dữ liệu cho web. Bạn nên chuẩn bị trước 50 – 100 bài ban đầu, giai đoạn này không nhất định phải là bài mới 100%. Tuy nhiên bạn nên cân nhắc việc copy bài vở. Nếu là bài hot các bạn nên dẫn nguồn, tốt nhất là các bạn nên chọn trong thư viện ebook của mình (bước một) những bài hay mang tính chuyên sâu, mà trên mạng chưa mấy web có.
6. Viết keyword
Bước này mình không nói nhiều vì trên mạng và diễn đàn có rất nhiều. Tuy nhiên các bạn nên cân nhắc vào khả năng và hoàn cảnh cụ thể để xây dựng một bộ key word phù hợp: nên tập trung cho vài từ khóa chính hay nhiều từ khóa phụ? Key word cần phải phù hợp với nội dung.
Ở trên là keyword của web nói chung. Còn với mỗi bài viết cụ thể các bạn nên viết keyword sau khi đã viết xong bài. Với Title các tùy theo bài viết để đặt, có thể theo kiểu kích thích, hoặc gây tò mò, hoặc khêu gợi, thuyết phục, đặt câu hỏi… Với Description thì các bạn nên nghĩ về tư tưởng chủ đề của bài viết, diễn tả nó bằng một câu duy nhất, đó chính là miêu tả. Các thẻ tiêu đề và miêu tả nên chứa từ khóa nhưng cũng đừng vì thế mà gượng ép, hãy tự nhiên nhất một cách có thể.
Google không coi trọng các Keyword như trước nhưng đây vẫn là cái nhìn đầu tiên, góp phần tạo ấn tượng cho khách hàng khi vào tìm kiếm, truy cập web. Keyword hay thì khả năng được click nhiều. Bài viết chất thì được chia sẻ và đọc nhiều, và vì thế sẽ có thứ hạng cao. Thứ hạng cao thì khả năng được đọc nhiều.
7. Nhập liệu
Việc tiếp theo là nhập liệu cho web, khai báo với các SE, cái này thì ai cũng biết rồi.
8. Viết bài mới.
Nói chung mỗi ngày một bài.
Viết bài là một kĩ năng khó đòi hỏi phải rèn luyện thường xuyên. Trước tiên các bạn cứ gạch đầu dòng các ý cần diễn đạt sau đó triển khai thành từng đoạn ngắn, sau đó xâu chuỗi các đoạn lại. Thực ra chỉ cần có ý tưởng, triển khai được dàn ý là chúng ta đã thành công lớn rồi. Còn ý tưởng ở đâu ra, thì các bạn đọc ở dưới nhé.
Mình khuyên các bạn nên có kế hoạch viết bài, các bạn sẽ chi tiết hóa các bài cụ thể, phát triển nội dung dựa trên hệ thống thư mục ở bước 4. Tuy nhiên chúng ta không phải là máy viết bài, việc cần làm là theo dõi tin tức về mảng sản phẩm, dịch vụ của mình xem cái gì đang hot, sẽ hot, thì viết bài theo kiểu “ăn theo sự kiện”.
Mặt kháctheo dõi trong GA, WMT kết hợp với Google keyword sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường mà chúng ta tham gia, và cho bạn rất nhiều ý tưởng. Trong nhiều trường hợp từ khóa chính chưa lên, nhưng từ khóa phụ lên trước, trang cần SEO không lên, lại lên trang khác. Bạn đừng thất vọng, cứ coi đó là cơ hội đi. Trang nào lên, từ nào lên thì tập trung phát triển cho thật vững rồi điều hướng về trang chính, từ khóa chính.
Từ khóa chính chưa lên, lên nhiều từ khóa phụ |
Tôi đang SEO cho từ khóa chính là “món ăn ngon”, nhưng cả từ khóa và trang cần SEO chưa lên, trong khi đó có rất nhiều từ khóa mà tôi không định SEO, lại lên. Như các bạn thấy các từ khóa này đều ở trên trang 1, và có tỉ lệ hiển thị cũng như tỉ lệ CTR khá tốt. Vì thế thay vì triển khai các bài viết theo kế hoạch, tôi tạm ngừng và tập trung triển khai các bài viết hỗ trợ từ khóa phụ.
Ví dụ: Tôi nhận thấy, các từ khóa liên quan tới “nướng muối ớt” được tìm kiếm nhiều. Vì thế thay vì viết các bài về món ăn ngon, tôi tập trung viết một loạt bài về nướng muối ớt. Từ tôm nướng muối ớt, sẽ triển khai ra: cá kèo nướng muối ớt, cá chình nướng muối ớt, sườn heo nướng muối ớt, cách làm các loại muối ớt. Đặt liên kết nội site cho các bài này và điều hướng về trang chính, từ khóa chính.
10. Vấn đề bản quyền
Sau bao công lao, nếu không muốn bài viết của mình bị người khác "vô cớ" mang về nhà, bạn có thể chia sẻ trên G+ hoặc đăng ký DMCA.
Mình thì làm một blog, đăng ký DMCA, và những bài nào mình muốn bảo vệ thì đăng lên đó.
Trên đây là một số chia sẻ của mình về việc phát triển nội dung web site, mong được các bạn chia sẻ và góp ý thêm.
Thanks!
» Kinh nghiệm xây dựng Blog vệ tinh
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét