Cấu trúc bài viết

Người đăng: chisenhungsuutam on Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Hầu hết các bạn làm SEO, nhất là các bạn đi sâu vào link không lạ lẫm gì với các mô hình như: hình tháp, hình bánh xe, chuỗi liên kết... Nhưng có lẽ số lượng SEOer theo con đường copywriting chưa nhiều, SEO Copywriting chưa thật sự phát triển mà vì vậy nhiều bạn có lễ không biết rằng bài viết cũng có cấu trúc, mô hình riêng của nó. Tất nhiên việc áp dụng cấu trúc nào cần phải linh hoạt, việc kết hợp các mô hình với nhau càng cần phải sáng tạo. Công thức chỉ là tương đối.

Cấu trúc của một bài viết thì có rất nhiều, có thể kể lên tới hàng chục. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn một số cấu trúc cơ bản. Và trong khuôn khổ của Ebook cũng chỉ giới thiệu một số cấu trúc thường sử dụng trên web.

Điều đầu tiên, các bài viết tuy rằng có nội dung, các thể hiện khác nhau, nhưng tựu chung lại đều nhằm vào trả lời các câu hỏi cơ bản (6W + 1H):
What?  ( Chuyện gì?)
Where? (Ở đâu?)
When? ( Khi nào?)
Who?  ( Ai liên quan?)
With?(Cùng với những ai?)
Why? ( Tại sao?)
How? (Như thế nào?) 

Tất nhiên điều này là không nhất thiết, như bài giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, công ty và bài tản mạn... không nhất thiết phải nêu ra và trả lời câu hỏi trên. Viết quảng cáo và bài PR thì đòi hỏi phải sáng tạo và cách tiếp cận phù hợp. Nhưng tin tức, khuyến mãi, bài phân tích, bình luận là những dạng bài được sử dụng nhiều trên môi trường trực tuyến (do yêu cầu thông tin nhanh, mới, độc) thì rất cần.

Vấn đề tiếp theo là trước mỗi sự kiện các bạn cần phải xác định được đâu là chi tiết quan trọng, đâu là chi tiết ít quan trọng hơn để có cách bố trí phù hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Mô hình Hình tháp xuôi:
Còn gọi là mô hình: "tam giác thường", "hình nón", "hình cây thông".



Mô hình này quen thuộc với hầu hết chúng ta, từ ngày cấp 2 mình nhớ đã có môn Tập làm văn, cấu trúc Mở bài -> Thân bài -> Kết luận cô nói mãi rồi. 

Đặc điểm của nó là mở đầu bằng một hình ảnh, một câu gây ấn tượng, gợi tính tò mò cho người đọc, mức độ quan trọng tăng dần ở các câu sau và chi tiết quan trọng nhất được đưa xuống dưới cùng (kết luận). 
SEO nội dung: Cấu trúc bài viết
Bạn nào SEO cho site truyện nên đào sâu vào cấu trúc này vì bản chất của chuyện là phải “câu nhử”, dẫn dắt người đọc. Mình nghĩ các bài viết tâm sự, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề SEO cũng có thể áp dụng cấu trúc này. 

Ví dụ, sau một hồi than SEO khổ, SEO khó, chẳng nhẽ buông một tiếng thở dài rồi thôi. Theo mình, nếu không dậm dọa giải nghệ để anh em chia sẻ thì cũng phải tuyên bố một điều gì đó lớn lao, kiểu như: “Tuy thuật toán không ngừng thay đổi, đối thủ ngày một nhiều, nhưng…”. Kết là kết thúc bài nhưng phải mở ra một cái gì đó, gợi nên những suy nghĩ, hướng đi mới.

Mô hình Hình tháp ngược: 
SEO nội dung: Cấu trúc bài viết
Ngược tất nhiên phải đối lập với xuôi. Đặc điểm của cấu trúc này là các chi tiết quan trọng được đưa ngay lên trên. Đây là mô hình được áp dụng nhiều trong báo chí, đặc biệt là ở thể loại tin tức.

Điểm mạnh của nó là người viết có thể nhanh chóng đưa thông tin đến người đọc. Người biên tập có thể cắt phần ở dưới ít quan trọng để đưa được nhiều tin hơn. Và người đọc có thể nhanh chóng nắm bắt tin tức mà không cần phải đọc quá nhiều.

Ví dụ: “Ngày 26 – 09 – 2013, tại Mountain View, Google chính thức ra mắt Thuật toán Chim ruồi - Hummingbird”

Đây là câu đầu tiên của một Tin, thông báo về thuật toán mới của Google, nó đã trả lời các câu hỏi: Ai (Google), Cái gì (Thuật toán Chim ruồi), Ở đâu (Mountain View), Khi nào (Ngày 26 – 09 – 2013). 

Các câu tiếp theo sẽ trả lời các câu hỏi còn lại, ít quan trọng hơn. Tất nhiên trong trường hợp này bản thân việc Google đưa ra thuật toán mới đã là chi tiết quan trọng nhất rồi.

Mô hình Hình chữ nhật:
Trong cấu trúc này các chi tiết nổi bật được sắp xếp trải dài từ đầu tới cuối bài. Mỗi chi tiết có lượng thôn tin nhất định. Các chi tiết tương đối bình đẳng, độc lập, nhưng cùng hướng vào để làm nổi bật sự kiện. Cấu trúc này thường được sử dụng cho bài phân tích, tường thuật và tổng hợp thông tin.
 SEO nội dung: Cấu trúc bài viết
Ví dụ, ngày mai Google cập nhật PR, sau khi viết tin mình có thể làm một bài tổng hợp lại suy nghĩ, cảm xúc của các bạn.
Ngay sau Google cập nhật PR, các diễn đàn ngập tràn cảm xúc vui buồn lẫn lộn của các bạn làm SEO.
Tại iDVS, trong topic A bạn B nói
Tại thegioiseo bạn C chia sẻ
Tai diễn đàn seotopx bạn X hồ hởi
Trái ngược với tâm lý vui vẻ của nhiều bạn là nét thất vọng của các bạn Y,Z – bị rớt pagerank....

Kết cấu theo vòng tròn khép kín:
Hay còn gọi là mô hình quả trứng ngỗng, nghĩa là bài viết được bắt đầu từ chi tiết nào thì kết thúc bằng chi tiết ấy, chi tiết quan trọng vì thế được nhấn mạnh, nhắc lại ở cấp độ cao hơn.
 SEO nội dung: Cấu trúc bài viết
Ví dụ như bài viết về “Sườn heo nướng muối ớt” của mình mở đầu bằng chi tiết, một lời khen về món ăn: 
“Nó ngon không chịu được” và kết thúc cũng chính bằng câu nói này. 

Kết cấu theo trình tự thời gian
SEO nội dung: Cấu trúc bài viết
Thường áp dụng cho các bài tường thuật, một số bài PR, Giới thiệu cũng có thể sử dụng kết cấu này. Nghĩa là một bạn kể một câu chuyện từ khi nó bắt đầu tới thời điểm hiện tại, hoặc tới khi nó kết thúc.

Để dễ hình dung hơn mình có thể ví dụ bằng việc bỗng dưng nổi hứng viết một bài giới thiệu về diễn đàn iDVS chẳng hạn. Mình có thể sử dụng cấu trúc theo trình tự thời gian:
Nhìn vào sự phát triển của iDVS ngày hôm nay, không phải ai cũng thấu hiểu được những khó khăn của diễn đàn thủa đầu chập chững.
Khởi đầu với 3 thành viên, không quản ngày đêm...
Bị ddos, gài link ẩn, bêu xấu đủ kiểu, nhưng...
Sau xử phạt do vi phạm Nghị định 72 những tưởng diễn đàn sẽ không gượng dậy nổi. Thế mà...

Tuy nhiên cấu trúc này cũng rất linh hoạt, người dùng có thể viết ngược lại từ hiện tại lùi về quá khứ. Hoặc bắt đầu từ một sự kiện “đắt”.

Ví dụ: Dưới tác động của Nghị định 72, hàng loạt diễn đàn, website lớn bị đóng cửa, forum iDVS cũng nằm một trong số đó. Ba ngày, năm ngày, rồi một tuần trôi qua; biết bao hy vọng rồi thất vọng. Một tháng, người ta bắt đầu nghĩ về sự ra đi mãi mãi. Mỗi ngày qua đi, khi những suy nghĩ về iDVS sẽ như một phần của quá khứ cứ nhen nhóm và lớn dần, kèm theo nỗi buồn tha thiết. Chính lúc ấy – một thoáng lặng đi – để rồi òa lên: “iDVS trở lại rồi”!
Mình có thể bắt đầu bằng khó khăn mới đây của diễn đàn rồi mới triển khai sang các sự kiện khác, mốc thời gian khác.

Kết luận:
Ngoài các cấu trúc nêu trên còn có rất nhiều cấu trúc khác như: cấu trúc viên kim cương, bóc hành, tam đoạn luận, nguyên nhân – hậu quả, đồng hồ cát... chủ yếu dùng trong báo chí. Việc giới thiệu các mô hình chỉ mang tính tham khảo. Mình nhắc lại một lần nữa là việc sử dụng phải linh hoạt và sáng tạo.

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét