Cách viết Tin

Người đăng: chisenhungsuutam on Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Tin tức có vai trò rất quan trọng trong môi trường trực tuyến. Nó thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu Nhanh – Mới – Độc của các trang thông tin điện tử. Việc hiểu, nhận dạng được các loại hình tin tức cũng như sử dụng thành thạo các phương pháp viết tin là sức mạnh, lợi thế cho cho các SEOer, những người làm nội dung trực tuyến trong cuộc chiến tìm kiếm lợi nhuận, xây dựng thương hiệu trên internet.

SEO nội dung và copywriting: Cách viết Tin

A. Đặc điểm của tin
Tin (news) phản ánh những sự kiện cụ thể, mới, tiêu biểu đang hoặc sắp xảy ra theo cách đơn giản, ngắn gọn, nhanh chóng và kịp thời nhất. Tin quan tâm đến SỰ KIỆN, không đi sâu vào phản ánh những VẤN ĐỀ của đời sống.

B. Các dạng tin thông dụng

1) Tin vắn: 30 đến 60 chữ
- Thông báo một cách ngắn gọn nhất về sự kiện.

- Có thể có hoặc không cần đầu đề (tít).

- Chỉ có thể trả lời 3 – 4 yếu tố trong 6W + 1H

- Không có lời bình.

Ví dụ: Google đã giảm 15% số lượng các đoạn rich snippets trong kết quả tìm kiếm có liên quan đến quyền tác giả để hiển thị cho các tác giả khác có mức độ nổi tiếng cao hơn. (1)

Ví dụ: Matt Cutt tuyên bố “Khoảng 25% đến 30% nội dung trên website là trùng lặp nhưng Google không xem đó là SPAM. Google sẽ xem nó như một trong những yếu tố không được ưu tiên và sẽ khó xếp hạng cao hơn trên kết quả tìm kiếm”. (2)

Ví dụ: Google vừa công bố top 10 xu hướng tìm kiếm trong năm 2013, và trong đó vị lãnh tụ vĩ đại của Cộng hòa Nam Phi đã đứng số 1 trong danh sách xu hướng tìm kiếm của năm.(3)

2) Tin ngắn: 60 - 100 chữ
-  Thông báo tương đối trọn vẹn về một sự kiện bằng cách trả lời đầy đủ những câu hỏi 6W + H .
Ví dụ:
Google Penguin 4 cập nhật

Ngày 22/05/2013 thuật toán Penguin 4 đã được Google cập nhật. Matt Cutts - trưởng bộ phận chống Spam của Google cho biết: 2,3% các truy vấn tiếng Anh sẽ bị ảnh hưởng bởi bản cập nhật này.

Được công bố lần đầu tiên vào ngày 24/4/2012 và cập nhật hai lần sau đó, Penguin vẫn sử dụng các thuật toán cơ bản cùng với những thay đổi nhỏ. Phiên bản Penguin 4, với công nghệ Penguin 2.0 là bản cập nhật với những thay đổi lớn, có tác động sâu - rộng hơn đến các website và cộng đồng Webmasters trên toàn thế giới.

Đây là dạng tin tức phổ biến nhất, thường được sử dụng trên các báo mạng điện tử. Với nhứng sự kiện ít quan trọng thì chỉ một tin là đủ. Với những vấn đề quan trọng hơn có thể làm một chùm tin, tiếp theo đó là bài tường thuật, phỏng vấn, phóng sự điều tra, phân tích, bình luận... rồi tổng hợp. Tất nhiên đó là ở mức độ báo chí chuyên nghiệp, có hệ thống và nguồn nhân lực dồi dào... còn ở mức độ chăm sóc blog, website cho cá nhân, doanh nghiệp chúng ta phải có sự lựa chọn phù hợp với khả năng và điều kiện hiện có sao cho đơn giản và hiệu quả nhất.

3) Tin tường thuật: ≈ 200 chữ
Tường = biết, hiểu rõ; thuật = kể lại

=> Tường thuật là kể lại những điều mắt thấy tai nghe hoặc có được thông tin đầy đủ, chính xác (cần phân biệt với bài tường thuật, thường có qui mô lớn hơn, nhiều chi tiết, ngôn ngữ thể hiện phong phú hơn).

Ví dụ:
Google cập nhật PR

Google cập nhật PR rồi đấy!

Các bạn thân mến, vào hồi  15h ngày 06/12/2013 Google đã chính thức cập nhật PR. Đây có lẽ là lần cập nhật PR được chờ đợi và mòn mỏi nhất từ trước đến giờ.

Theo như dự đoán thì đợt cập nhật PR này đúng ra phải diễn ra vào đầu tháng 5. Nhưng Google đã “im hơi lặng tiếng” cho đến tận ít phút trước đây.

Sự “im lặng khó hiểu” của Google khiến cho cộng đồng webmaster trong và ngoài nước lâm vào tình trạng đoán già, đoán non, kẻ cười, người khóc.

Nắm được thói quen cập nhật PR theo quý của Google, nhiều SEOer đã tập trung mua backlink cho web từ cuối tháng ba.

Từ đầu tháng tư, thị trường link đã rất nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Trên các diễn đàn SEO và công nghệ lời rao bán backlink không ngớt vang lên. Và trong suốt nửa cuối tháng tư tâm trạng hồi hộp, đợi chờ là phổ biến trong cộng đồng SEO Việt Nam. Người ta hỏi nhau: “mua link ở đâu tốt?”, “giá rổ thế nào?”, “chất lượng ra sao?”, “PR mấy?”, “hàng fake thôi!”…

Để rồi: “đến hẹn mà lại không lên”, “seo-ơ cứ vội, nhưng anh Gồ cứ chưa cần”. Tiền thì chuyển vào tài khoản người bán rồi, thời hạn một tháng sắp hết rồi, "sao chưa cập nhật nhỉ?". "À sắp rồi, ráng đi", “chắc chỉ nay mai thôi”, SEOer tớn tác hỏi nhau, an ủi nhau, rồi mấy chục cái mai qua đi, mai cứ dài hơn thuổng. SEOer cứ đợi, Google cứ bặt vô âm tín. Trên các diễn đàn câu chuyện về PR được đưa ra mổ xẻ, rồi lại đoán già, đoán non, lại cãi, lại ban nick… đợi chờ - mòn mỏi – kẻ vui – người buồn…

Để rồi:
Google cập nhật page rồi đấy !


Ở phần 7 của Ebook SEO copywriting mình đã chia sẻ với các bạn rằng việc áp dụng cấu trúc bài viết cần phải linh hoạt, việc kết hợp các mô hình với nhau cần phải sáng tạo, công thức chỉ là tương đối. Cái tin “Google cập nhật PR” của mình dài hơn một tin thông báo bình thường. Cấu trúc được sử dụng là cấu trúc vòng tròn với chi tiết quan trọng nhất là Google cập nhật Pagerank được xuất hiện ở mở đầu và kết thúc bài. Trong khi tường thuật lại tâm sự và hành động của nhiều SEOer theo thời gian thì chi tiết quan trọng nhất (Google đã cập nhật) vẫn được đưa lên đầu. Sử dụng rất nhiều ngôn ngữ nói trong bài viết...

4) Tin tổng hợp
- Sử dụng để thông báo về một loạt sự kiện quan trọng liên tiếp xảy ra, có liên quan tới nhau.

- Tin tổng hợp có thể được xây dựng bằng nhiều tin vắn nối tiếp nhau.

Ví dụ: Samsung chính thức ra mắt smartphone màn hình cong, thuật toán mới của Google có thể ảnh hưởng mạnh đến kết quả tìm kiếm cùng việc các nhà mạng được phép tăng cước 3G là những thông tin đáng lưu tâm… (4)

Ví dụ: Moto X ra mắt, những thông tin mới về iPhone giá rẻ và iPad thế hệ tiếp theo của Apple, lệnh cấm iPhone và iPad tại Mỹ của ITC bị bác bỏ cùng Nexus 7 2013 và Lumia 1020 xuất hiện tại Việt Nam là những điểm nhấn công nghệ tuần qua… (5)

Sau khi “điểm tin” người viết sẽ đi vào từng tin chi tiết.

- Tin tổng hợp cũng có thể tổng hợp, thống kê lại các sự kiện theo không gian, thời gian, mức độ liên quan.

Ví dụ:
Những sự kiện chấn động làng công nghệ năm 2013 (6)
Tiết lộ NSA theo dõi người dùng Internet khiến thế giới rúng động (...)
Thương vụ thâu tóm Microsoft – Nokia (...)
CEO Microsoft bất ngờ tuyên bố nghỉ hưu sau 13 năm tại vị (...)
Vụ tấn công ddos làm ảnh hưởng Internet toàn cầu (...)
Facebook và Twitter "lên sàn" (...)
Apple ra mắt 2 điện thoại trong một năm (...)
BlackBerry và số phận bấp bênh (...)


Trong ví dụ trên sau mỗi đề tít phụ (chúng ta có 7 tít phụ cả thảy) người viết sẽ trình bày về một vấn đề cụ thể.

- Tin tổng hợp thường được xây dựng theo mô hình Hình chữ nhật nhưng mỗi chi tiết, sự kiện có thể là một kim tự tháp ngược. Bản thân các sự kiện các được sắp xếp theo các tiêu chí khác nhau như: mức độ quan trọng giảm (hoặc tăng dần), theo trình tự thời gian, hoặc theo khu vực địa lý.

C. Kết luận

- Tin tức đòi hỏi người viết phải nhạy bén trong việc thu thập tin tức, biết chọn chi tiết “đắt” để bắt đầu và có cách thể hiện phù hợp.

- Tin chú trọng tới SỰ KIỆN, đi kèm với nó là các số liệu cụ thể, chân thật.

- Tin thuyết phục người đọc bằng tính thời sự, chân thực, chứ không phải là lý lẽ, lý luận (giống như phân tích, bình luận...)

- Ngôn ngữ sử dụng thường đơn giản, trực tiếp, cụ thể.

Ở trên mình đã chia sẻ với các bạn về một số dạng tin cơ bản, ngoài ra chúng ta còn một số loại khác như tin ảnh, ảnh tin, tin sâu... ít phổ biến hơn đối với dân SEO nên không giới thiệu ở đây.

Hy vọng chia sẻ của mình giúp ích được các bạn chút ít trong vấn đề định hướng và xây dựng nội dung cho website.
---------------------------------
Bài viết có tham khảo giáo trình của:
- Khoa Báo chí Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- (1) + (2) + (3): Được lọc ra từ các bài viết trên idichvuseo
- (4) + (5): Trích từ Báo Mới (http://www.baomoi.com)
- (6): Trích từ Dân Trí
(http://dantri.com.vn/suc-manh-so/nhung-su-kien-chan-dong-lang-cong-nghe-nam-2013-816914.htm)

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét