Công nghiệp phần mềm Việt Nam: Cần một dự án dài hơi

Người đăng: chisenhungsuutam on Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực
Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực
Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin, thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông, hiện đang xây dựng Dự thảo chương trình phát triển công nghiệp phần mềm (CNpPM) cho giai đoạn 2006 - 2010. Đây là một chương trình được xây dựng nhằm thúc đẩy sự phát triển của CNpPM Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực, chương trình này nên được xây dựng dài hơi hơn thay vì chỉ trong khoảng thời gian 5 năm từ 2006 - 2010.

CNpPM sẽ là nền kinh tế mũi nhọn

Hiện nay, CNpPM được đánh giá là ngành kinh tế mang hàm lượng trí tuệ cao, lợi nhuận lớn, có tiềm năng xuất khẩu, và là cơ hội lớn cho các nước đang phát triển biết nắm đúng thời cơ, đồng thời là động lực và phương tiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, CNpPM cũng được đánh giá là ngành siêu lợi nhuận với tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Từ 1965 đến 1995, trong vòng 30 năm, doanh thu phần mềm thế giới tăng 900 lần (từ 0,3 tỷ USD lên 257,3 tỷ USD). Từ 1996 đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình 10% đến 25%, gấp 3 đến 5 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP thế giới.

Trên thực tế, các nước càng phát triển thì nhu cầu về phần mềm và dịch vụ càng lớn và vượt quá khả năng cung cấp cũng như nguồn nhân lực của chính họ vì vậy dẫn đến sự thiếu hụt về nhân lực phần mềm ngày càng nhiều và giá nhân công ngày càng cao ở các nước đó. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nếu như trong những năm 80 của thế kỷ trước, ưu thế về doanh thu phần mềm thuộc về các nước công nghiệp phát triển như Mỹ (chiếm 57%), Nhật, Pháp, Đức, Anh, Canada (chiếm 37%) thì hiện nay lại đang có xu hướng chuyển dịch sang các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc.

Theo con số thống kê chính thức, đến hết năm 2004, tổng giá trị phần mềm, dịch vụ của Việt Nam đạt khoảng 160 triệu USD với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 35% đến 40%/năm. Cùng với đó đã có một số điển hình thành công như gia công xuất khẩu đang có nhiều khởi sắc. Tổng giá trị xuất khẩu ước tính 40 triệu USD và đã được xếp vào top 25 quốc gia hấp dẫn về gia công phần mềm.

Thêm vào đó, CNpPM đã thu hút sự tham gia của khoảng 600 doanh nghiệp, phân bố chủ yếu tại Hà Nội (chiếm khoảng 40%) và TP.Hồ Chí Minh (chiếm 50%) chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp phần mềm đã quan tâm đầu tư cho quy trình quản lý chất lượng. Đã có 1 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMI-5, 1 doanh nghiệp đạt CMM5, 3 doanh nghiệp đạt CMM3 và khoảng 30 doanh nghiệp đạt chứng chỉ ISO 9001. Theo đánh giá của các chuyên gia, với tốc độ và năng lực hiện tại của CNpPM Việt Nam, trong thời gian tới, việc phát triển ngành công nghiệp này là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để có thể phát triển đúng tầm, phía trước còn nhiều thách thức mà CNpPM phải vượt qua.

6 mục tiêu, 2 nhóm giải pháp thực hiện

Tại Bản dự thảo chương trình phát triển CNpPM giai đoạn 2006 - 2010, quan điểm xây dựng được Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin đưa ra với 6 nội dung cơ bản. Thứ nhất, để phát triển được CNpPM, trước hết phải phát triển nguồn nhân lực đông đảo và chuyên nghiệp. Đây là điều kiện then chốt cho sự thành công của CNpPM nước nhà. Cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT, huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác quan trọng này.

Thứ hai, cần tập trung cho các sản phẩm dịch vụ phần mềm, đặc biệt là dịch vụ gia công phần mềm cho nước ngoài, nhất là thị trường Nhật Bản. Thứ ba, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng cho sự phát triển CNpPM. Cần phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa để làm chỗ dựa, bàn đạp cho các doanh nghiệp trong nước rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trước khi tiến ra thị trường quốc tế. Thứ tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài và của Việt kiều đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của CNpPM. Cuối cùng, cần có các biện pháp mạnh, kiên quyết để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm.

Mục tiêu đến năm 2010 của Việt Nam là CNpPM sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 35% đến 40%/năm. Doanh thu toàn ngành đạt 1 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 50% tổng doanh thu. Việt Nam sẽ đào tạo được khoảng 200.000 sinh viên CNTT, trong đó có 50% trở thành chuyên gia làm phần mềm chuyên nghiệp... Để hoàn thành được những mục tiêu trên, có hai nhóm giải pháp chính được đặt ra đó là: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT; Tăng cường hoạt động gia công phần mềm vừa và nhỏ cùng với đó sẽ hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

Góp ý cho bản dự thảo lần này, Thứ trưởng Mai Liêm Trực cho rằng cần phải có một dự án dài hơi hơn, thay vì giai đoạn 5 năm (2006 -2010) như đã xây dựng. Theo Thứ trưởng, để có thể đào tạo được một lượng nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực làm phần mềm, mỗi khóa đào tạo cũng đã đòi hỏi phải mất thời gian từ 3-5 năm. Trong khi đó, khâu nhân lực được coi là nhân tố quyết định, nhưng với thời gian đào tạo này đã gần chiếm hết chỉ tiêu dự án đề ra cũng trong vòng 5 năm. Vì vậy, nên chọn khoảng thời gian là 10 năm cho việc phát triển và hoàn thành chương trình này.

Được biết, đây cũng mới chỉ là bản dự thảo đầu tiên. Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 4 này, Bộ BCVT sẽ tổ chức một cuộc hội thảo mở rộng nhằm thu nhận những ý kiến của các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp trong ngành CNpPM cho chương trình "Phát triển CNpPM giai đoạn 2006 -2010" được hoàn thiện hơn và sớm đưa vào triển khai trong thực tiễn.

Tuấn Anh

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét