Cổng giao tiếp điện tử lãng phí hàng tỷ đồng!

Người đăng: chisenhungsuutam on Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Hanoi Portal
Hanoi Portal
Để xây dựng một cổng giao tiếp điện tử thì dễ, nhưng để nó phục vụ cuộc sống con người thì rất khó. Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành ở nước ta đều mở cổng giao tiếp điện tử. Tuy nhiên, hàng tỷ đồng đầu tư chỉ mang lại một trang web không được cập nhật thông tin, không được duy trì phát triển. Một sự lãng phí lớn tiền của Nhà nước đang xảy ra tại không ít địa phương.

Được xây dựng từ tháng 10 năm 2003 với vốn đầu tư lên tới 13 tỷ đồng, Hà Nội được Ngân hàng thế giới đánh giá là nơi có cổng giao tiếp điện tử hiệu quả nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo tổ chức này thì nếu quá trình tin học hoá quản lý hành chính được tiến hành theo 4 bước từ thấp đến cao, thì trình độ của cổng giao tiếp điện tử của thành phố Hà Nội mới nằm ở ngưỡng giữa mức 1 và 2. Điều này có nghĩa nó mới chỉ dừng lại ở giai đoạn giới thiệu tổng quan về thành phố.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc sở Bưu chính viễn thông Hà Nội - Cơ quan chủ quản cổng giao tiếp điện tử Hà Nội cho biết: "Khi chúng ta xây dựng Chính phủ điện tử ở thành phố thôi cũng đã bỏ qua một vài bước, đặc biệt là cải cách hành chính của ta vẫn còn chưa đạt đến một trình độ nhất định để có thể điện tử hoá mà ta vẫn gọi là tin hoá quản lý hành chính nhà nước. Một bộ máy cũ cộng tin học hoá sẽ vẫn cho ta một bộ máy cũ cộng 1 chi phí rất lớn".

Cũng theo ông Mạnh Dũng, chừng nào bộ máy quản lý hành chính đạt đến một trình độ nhất định thì việc phát triển cổng giao tiếp điện tử mới không xảy ra bất cập. Lời giải thích xem ra chưa thoả đáng. Tại nhiều địa phương, việc phát triển cổng giao tiếp điện tử được tiến hành theo phong trào. Như tỉnh Hà Tây, xây dựng cổng năm 98, nhưng chưa đầy 1 năm sau thì bỏ không duy trì và quản lý cổng này nữa. Vì theo giải thích của cơ quan chủ quản, cổng này không phù hợp với tình hình hiện nay. Không chỉ có Hà Tây mà hầu hết các tỉnh có cổng đều không duy trì được hoặc có nhưng cũng chỉ 1, 2 người làm công việc đưa thông tin lên mạng. Chính vì thế thông tin khi được chuyển tải trên mạng có khi đã xảy ra từ nhiều tháng trước đó.

Trong khi đó, ban đề án tin học quản lý hành chính Nhà nước của Chính phủ thì cho rằng các địa phương xây dựng cổng giao tiếp điện tử theo kiểu xây từ ngọn. Điều đó xuất phát từ việc các tỉnh chưa hiểu hết ý nghĩa và tính năng của một cổng điện tử.

Ông Lương Cao Sơn, Thư ký Ban đề án 112 - Ban đề án tin học quản lý hành chính Nhà nước cho biết: "Cổng giao tiếp điện tử là một vấn đề khó nếu không làm các hệ thống thông tin thành phần thì không thể duy trì các hệ thống cổng thông tin điện tử hoạt động một cách hiệu quả được. Vì vậy trong 3 năm qua Ban đề án 112 chưa chủ trương xây dựng ngay từ đầu những cổng thông tin hiện đại nhưng không có thông tin mà tập trung xây dựng hệ thống thông tin thành phần như hệ thống quản lý hiệu suất công việc, thông tin điều hành, thông tin về kinh tế xã hội.."

Hiện nay, Ban đề án 112 đang gấp rút hoàn thành việc cung cấp 3 phần mềm thông tin thành phần tại tất cả các tỉnh thành của Việt Nam. Đây là 3 phần mềm tối thiểu một cổng giao tiếp điện tử muốn hoạt động cần phải có. Bên cạnh đó một việc cũng rất quan trọng là phải đào tạo được một đội ngũ nhân viên có kiến thức. Theo quan điểm của Ban đề án 112, việc xây dựng cổng điện tử theo phong trào như trước đây cần phải được rút kinh nghiệm: Chưa đủ điều kiện thì chưa làm. Bởi nếu không, nó sẽ tiếp tục gây lãng phí lớn cho Nhà nước - tiền mất mà hiệu quả thì gần như là con số không.

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét