Giới SEOer kể lại rằng: có một mạng xã hội tên là Haivl. Ngay từ khi sinh ra đã mang lại những chuỗi cười sảng khoái. Nó phát triển từ ngày này sang ngày khác cho đến khi ngày một nhăn nhở hơn, để rồi một hôm, bị đập phát…
Chết ngắc!
Kẻ xót thương thì gào lên kêu khóc. Người lại bảo: đáng đời.
Còn tôi ?
Phải nói ngay rằng tôi không phải một tín đồ của Haivl, cũng chẳng ghét bỏ gì, thực ra là ít quan tâm. Các bạn đừng ngạc nhiên, một thằng đàn ông đầu ba với hơn chục năm lăn lộn đủ nghề dĩ nhiên chẳng dễ nhỏ nước mắt, cũng như không dễ nhếch mép nổi một nụ cười. Vợ con rồi, yêu đương gì nữa mà mủi lòng. Túm lại là cũng có vào vài lần, nhưng cũng chẳng thấy có gì buồn cười nên đành quay trở về với việc đọc báo mạng, chăm facebook.
Vốn dân làm SEO, trong người cũng nhiễm máu giật tít câu view. Cái lúc Haivl lăn đùng ra chết cũng định a dua với mấy bác chuyên gia trồng cải, làm cái tin cho đỡ ngứa nghề. Nhưng cũng chỉ viết được cái mở đầu rồi lại thôi… có lẽ là cảm xúc nó tụt nhanh quá chăng ?
Trắng tay, thế là “tọa sơn quan hổ đấu”, ngồi xem thiên hạ “chém” nhau, bình loạn thế mà cũng nhiều cái hay:
Bác nọ bảo trâu buộc ghét trâu ăn, bác kia lại bảo Nó ép giá để mua rẻ !
Người than mất chỗ xả stress, người khác lại bảo: thằng đó nhảm !
Có nhiều bác theo chủ nghĩa quan trọng hóa vấn đề thì đấm ngực than: công nghệ nước nhà làm sao phát triển? Mấy người thích đơn giản lại phản bác rằng: thằng đó làm dịch vụ chứ công nghệ quái gì !
…
Ôi, người ta cứ thoải mái cãi nhau, thằng chết cứ chết. Giờ họa có thuốc thánh đền Bia (của cụ lang Tỳ, lang Phế ) trong tiểu thuyết may ra mới cứu nổi.
Trong khi nhiều người mong cho cái trang “hài nhảm” ấy nó chết hẳn, người mong nó hồi sinh, họ cãi nhau, họ hầm hè nhau, chán. Cái anh seo-ơ nhỏ nhoi là mình lại nghĩ: cãi chỉ để sướng cái mồm một lúc; có chăng thì tranh luận để biết nẻo mà tránh.
Cái chết của Haivl cũng dễ hiểu thôi (các bác xót thương đừng vội ném đá). Bốn cái lí do: Vì sao anh rút (giấy phép) thì ai cũng biết rồi. Cái chuyện trâu ăn với trâu buộc thì cũng chỉ là phỏng đoán, lúc trà dư tửu hậu ta lại lôi ra mà chém. Vấn đề nằm ở chỗ: những ngày sau sẽ như thế nào.
Nhiều người bảo: nắm thằng có tóc, mình đầu trọc lo gì. Nhưng mình cứ trọc mãi ? Nuôi gà lại không muốn gà to, còi dí mãi? To thì lại bị lên thớt…
Là người có tinh thần lạc quan tôi cho rằng chẳng có gì phải lo lắng nhiều. Nhà nước đã có “Dự thảo đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 xác định báo điện tử sẽ đóng vai trò chủ lực”. Việt Nam vẫn luôn là quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh hàng đầu.
Nhiều người cũng nhận thấy, các SEOer nhận thấy. Nhưng khổ nỗi spam, trộn nội dung, sốc – se.x – sến thường dễ ăn hơn. Cái này có từ trước khi có Haivl, và từ nay về sau cũng còn khuya mới hết.
Trước Haivl, nhiều anh lực điền hơn, trồng cải còn to bằng mấy, nhưng người ta biết điểm dừng. Những “nóng bỏng”, “đắng lòng”, “bỏng mắt”… sau khi hoàn thành nhiệm vụ câu view thì cũng phải tiết chế dần. Tiểu xảo để cho trẻ trâu comment, cho hiển thị luôn, văng tục, chửi bậy thoải mái… cũng phải kiểm soát dần chứ. Cho các chú cái “sướng” được thấy tên, comment của mình ở trên báo lớn, hàng vạn người đọc (trong đó có các chú). Có hàng vạn người đọc rồi thì các chú cứ comment, anh kiểm duyệt xong rồi mới cho hiển thị. Khôn vãi!
Nhiều nơi làm nội dung nhìn vậy chứ vẫn có biên tập và kiểm duyệt (có chuyên môn) đảm trách. Không ăn rau muống bàn chuyện chính trị, không tôn giáo. Nói chung, văn hóa xã hội cho lành.
Ớn nhất là mấy bác cứ oai oái: cái này là mạng xã hội, cái này là forum, tôi không quản được nội dung. Ô hô! Chú không quản được thì anh để đứa nào quản được nó làm!
Mấy cái web, blog SEO không phải là báo, lại cứ thích học báo mà làm tin rồi cũng có lúc được hỏi thăm. Chứ sao, vấn đề này được định hướng như thế nào, nên làm cho nó “sôi sục” hay chỉ một hai kênh chính thống được phát biểu, thể hiện quan điểm, chủ trương…? Có ông SEO-ơ bé tí nào biết không mà lại liều phát ngôn.
Ừ thì thời đại báo chí công dân, nhưng đâu phải ông thấy tai nạn giao thông lao vào chụp vài cái ảnh, thấy đám cháy cạnh nhà, gọi cho tòa soạn, thế là ông thành phóng viên. Vậy mà trong làng SEO cũng nhiều người tự gọi mình là phóng viên, tự coi website như tạp chí. Chẹp! chết lại bảo tại số.
Sau nghị định 72, biết bao nhân tài đã đi về nơi xa lắm. Mỗi một forum, web ra đi để lại vô vàn tranh cãi. Người yêu, kẻ ghét. Haivl cũng chỉ là một trong số đó.
Mỗi quốc gia có luật, văn hóa ứng xử riêng. Mỗi công ty dù nhỏ hay hùng mạnh như Google cũng có những qui định riêng: SEO, Adword, Adsense… đều có luật chơi riêng. Trước khi nghĩ tới việc thay đổi Google, hay những thứ lớn hơn hãy tự thay đổi chính mình trước đã.
Haivl ra đi, để lại rất nhiều cảm xúc. Bây giờ thì người ta đã hiểu vì sao nó chết. Nhưng có nhiều SEOer chưa hiểu vì sao mình (sẽ) chết và vẫn muốn lao đầu… hình như là muốn thử!?