Trước khi đi thẳng vào vấn đề, tôi muốn đặt ra một câu hỏi, có lẽ là xưa như trái đất: “SEO làm gì ?”.
Vâng, tôi tin rằng rất nhiều bạn sẽ trả lời rằng: SEO tối ưu hóa web, nâng cao thứ hạng từ khóa, làm SEO là làm marketing online, SEO mang lại lợi nhuận... Tôi không phản bác câu trả lời của các bạn vì nó đều đúng và tiếp cận SEO ở các góc nhìn khác nhau. Mục đích của tôi trong bài viết này là cùng các bạn thảo luận sâu hơn về mảng “thông tin” trong SEO. Liệu làm SEO có phải là làm thông tin? Thông tin trực tuyến thì ảnh hưởng như thế nào doanh nghiệp? Ảnh hưởng của nó đến đối người xem? Và tác động trở lại như thế nào tới SEOer – với tư cách là người xuất bản, phát tán thông tin?...
Các bạn tạm thời gạt các vấn đề kĩ – chiến thuật SEO sang một bên nhé.
Làm SEO là làm thông tin.
Theo tôi, làm SEO tức là chúng ta đang tham dự vào quá trình xuất bản thông tin. Chỉ nhìn vào số lượng các topic trên các diễn đàn SEO mở ra để trao đổi về kinh nghiệm viết bài, giật tít, nội dung chuẩn SEO, nội dung phục vụ Google hay người đọc... đủ thấy tầm quan trọng của nội dung. Tất nhiên nội dung mang thông tin, và thông tin được truyền tải đến người đọc và thu về lợi nhuận mong muốn (phát sinh hành vi mua hàng, tri thức được chia sẻ, tình cảm tốt được thu về, thương hiệu được xây dựng...). Bài viết chỉ là một hình thức truyền tải, chúng ta còn có ảnh, nhạc, video, nhưng điểm chung vẫn là thông điệp được phát đi, hiệu quả thu về.
Ai có thể xuất bản thông tin trên môi trường mạng.
Câu trả lời là “bất cứ ai”
Trong thời đại ngày nay ai cũng có ít nhất một tài khoản trực tuyến như: mail, chat, blog, G+, facebook, web, nick forum... Tức là ai cũng có thể đưa ra một thông tin hay nhận định về bất cứ một sự vật, hiện tượng mà người đó quan tâm.
Ở mức độ chuyên nghiệp hơn một chút thông tin có thể do SEOer viết, hoặc được thực hiện bởi một copy writer chuyên nghiệp. Đến một thời điểm nào đó, việc chuyên viết nội dung cho web, blog được coi là một nghề, thì chúng ta có nghề làm SEO copy writer. Điều quan trọng là người viết phải chịu trách nhiệm về nội dung của mình.
Thông tin thì ảnh hưởng như thế nào doanh nghiệp
Nếu các bạn chịu khó theo dõi tin tức thì có thể thấy gần đây đang nổi lên sự việc của webtretho và lamchame. Theo đó một số thành viên trên hai diễn đàn này lập topic tẩy chay sản phẩm, dịch vụ của một số doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, gây khó khăn và tổn thất không ít. Sau đó là doanh nghiệp phản hồi, báo chí vào cuộc...
Ở đây, chúng ta không bàn tán chuyện ai đúng, ai sai, thành viên lập topic tẩy chay có chứng cứ cụ thể hay cảm tính, nội dung phản ánh là thật hay chỉ là một màn forum seeding. Chúng ta mà chỉ quan tâm tới việc thông tin đã ảnh hưởng như thế nào đến các bên, từ đó cùng thảo luận để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Về phía doanh nghiệp bị kêu gọi tẩy chay: uy tín, sức tiêu thụ của sản phẩm bị ảnh hưởng.
Về phía đơn vị chủ quản diễn đàn: phải chịu đựng sự giận dữ của doanh nghiệp. Khi báo chí vào cuộc thì phải gồng mình để chống lại những áp lực truyền thông lớn.
Ảnh hưởng của thông tin đến người xem?
Một số người có thói quen lang thang trên mạng, thích chém gió câu view, một số khác chịu ảnh hưởng của tâm lý đám đông. Vì thế từ một thông tin có thể được nhắc đi nhắc lại hàng vạn lần (tùy theo số thành viên của diễn đàn, mạng xã hội), và được khuếch tán theo nhiều kênh khác nhau trên môi trường mạng. Và như thế thông tin tác động đến nhiều đối tượng khác tạo thành tâm lý: “đúng sai chưa biết, tạm thời không dùng cho an toàn”.
Thông tin phản hồi ảnh hưởng thế nào đến SEOer
Các bạn có thói quen gọi vnexpress, dantri, vietnam là báo mạng điện tử. Nhưng thực tế Luật Báo chí ở Việt Nam chỉ công nhận báo in, báo ảnh, phát thanh, truyền hình. Chứ chưa thực sự công nhận hình thức báo mạng ở Việt Nam, cơ cấu giải thưởng báo chí hàng năm cũng chưa có giải cho báo mạng.
Nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay thì thông tin trực tuyến nhất định sẽ được kiểm soát chặt hơn. Người xuất bản nội dung sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn với nội dung mà mình đưa lên mạng.
Tức là nếu nội dung của bạn tốt, kênh phát tán tốt bạn có thể thu về rất nhiều lợi nhuận. Còn nếu thông tin sai, chủ quan thì bạn sẽ lãnh đủ.
Tôi có một kinh nghiệm cá nhân muốn chia sẻ với các bạn. Năm ngoái, khi cơn giông lớn thổi văng lồng sắt bên trong có nhóm công nhân rồi đập vào vách khiến kính tòa nhà Keangnam (Hà Nội) rơi vỡ. Khi ấy tôi đang quản trị nội dung cho một web site về vật liệu xây dựng. Chỉ 30 phút sau khi các báo lớn đưa tin , tôi nhận được tin nhắn (lúc này mới chỉ có tin phản ánh, chứ chưa có bài điều tra nguyên nhân)và mail của trưởng phòng sale bên công ty, yêu cầu viết một bài về sự kiện này, và phải có dòng chữ: “nguyên nhân là do sử dụng keo dán kính không đúng qui cách” trong bài.
Câu trả lời của tôi là: “chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra, không viết được”. Các bạn có thể tưởng tượng hậu quả của một tin như thế đưa lên. Tất nhiên hậu quả còn phụ thuộc vào việc ai viết, truyền tải qua kênh nào, sức ảnh hưởng của bài viết đó. Tiềm lực của đối tượng được phản ánh cũng rất quan trọng vì nó kéo theo khả năng “phản đòn”. Nhưng ít nhất thì nguy cơ vi phạm luật báo chí, có hành động vu cáo là khó tránh khỏi.
Kết luận
Thực ra gần đây do Google chú trọng đến nội dung. Nhiều bạn lao vào viết bài, copy – paste, giật tít câu view... Tất nhiên làm SEO cần có kĩ - chiến thuật, cần quan tâm tới hiệu quả kinh doanh. Nhưng mình muốn nhắc các bạn rằng chúng ta làm SEO, quản trị web, ít nhiều gì cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin mà mình đưa lên trên web, diễn đàn, mạng xã hội... Trước khi định viết bài, đăng một tấm ảnh, làm một video clip hãy cân nhắc tác động về mặt thông tin. Nó có thể có tác động (tiêu cực hoặc tích cực) lớn hơn bạn nghĩ!.
» Khủng hoảng thông tin trực tuyến
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét